Quy Nhơn mở thêm phố đi bộ phục vụ du lịch

Quy Nhơn mở thêm phố đi bộ phục vụ du lịch

Đề án Phố đi bộ Quy Nhơn đã được UBND TP Quy Nhơn thông qua cuối tháng 6.2024 gồm 3 tuyến phố đi bộ nằm trên địa bàn hai phường Trần Phú và Lý Thường Kiệt gồm: Tuyến phố Nguyễn Thiếp, tuyến phố Đô Đốc Bảo – Phạm Hùng và tuyến phố Nguyễn Lạc – Trần Độc.

Điểm nhấn phát triển du lịch

Tuyến phố Nguyễn Thiếp có giới hạn bởi tuyến đường Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ, Xuân Diệu và khu vực bãi biển Quy Nhơn với diện tích thiết kế 11.000 m2, chiều dài 120 m. Tại đây bố trí không gian đi bộ, biểu diễn nghệ thuật đường phố, vui chơi, kết nối cộng đồng; bố trí cảnh quan điểm nhấn đặc biệt, check-in du lịch; các hoạt động xúc tiến thương mại linh hoạt tùy vào thực tế.

Tuyến phố Đô Đốc Bảo – Phạm Hùng có tổng diện tích thiết kế 38.200 m2, chiều dài khoảng 1.140 m. Tuyến phố này sẽ được thực hiện trang trí đồng bộ toàn bộ chiều dài dải cây xanh dọc 2 tuyến đường Đô Đốc Bảo và Phạm Hùng; bố trí không gian nghệ thuật kết hợp dịch vụ thương mại, trước mắt thực hiện tại khu vực có giới cận tiếp giáp đường Nguyễn Tất Thành – Đô Đốc Bảo – Hoàng Diệu – Nguyễn Huệ.

Phố đi bộ Đô Đốc Bảo – Phạm Hùng bố trí các gian hàng ẩm thực nhẹ, trang phục, đồ lưu niệm, thư pháp, vẽ tranh, sách; hoạt động trưng bày kinh doanh sản phẩm địa phương, quà lưu niệm tại các ki-ốt cố định hằng ngày từ 8 – 23 giờ.

Tuyến phố Đô Đốc Bảo cùng với tuyến phố Phạm Hùng sẽ được tổ chức thành phố đi bộ Đô Đốc Bảo - Phạm Hùng
Tuyến phố Đô Đốc Bảo cùng với tuyến phố Phạm Hùng sẽ được tổ chức thành phố đi bộ Đô Đốc Bảo – Phạm Hùng
Tuyến phố Đô Đốc Bảo cùng với tuyến phố Phạm Hùng sẽ được tổ chức thành phố đi bộ Đô Đốc Bảo – Phạm Hùng

Tuyến phố Nguyễn Lạc- Trần Độc có giới cận bao quanh bởi 4 trục đường Nguyễn Thiếp, Xuân Diệu, Nguyễn Huệ, Phan Đăng Lưu. Định hướng quy hoạch phát triển và kết nối phố ẩm thực Ngô Văn Sở và khu vực lân cận hình thành khu ẩm thực du lịch có diện tích 12.150 m2 (không gồm diện tích đất ở), chiều dài khoảng 320 m.

Phố đi bộ Nguyễn Lạc- Trần Độc bố trí hoạt động kinh doanh ẩm thực, đặt tên riêng cho từng con đường và thiết kế, trang trí làm nổi bật nét đặc trưng cho từng con đường và mặt hàng ẩm thực.

Ông Phan Tuấn Hoàng, Trưởng Phòng VH-TT TP Quy Nhơn, cho biết, khung giờ hoạt động của phố đi bộ được tính toán cụ thể, gồm thời gian tham quan dạo phố, check-in du lịch xuyên suốt 24/7. Thời gian tổ chức các hoạt động nghệ thuật đường phố được tổ chức định kỳ tối thứ Sáu đến Chủ nhật hằng tuần, và các ngày lễ, tết, trong khung giờ từ 19 – 23 giờ.

Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, việc đầu tư phố đi bộ Quy Nhơn để làm điểm nhấn trong phát triển du lịch thành phố là cần thiết. Mặt khác, triển khai xây dựng tuyến phố đi bộ Quy Nhơn góp phần bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể kết hợp với phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn, tạo nét đẹp về văn hóa và văn minh đô thị đặc trưng. Đồng thời, xây dựng không gian mang tính cộng đồng tập trung, mở ra các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí của nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Dự kiến hoạt động từ năm 2025

Anh Hoàng Ngọc An, từ TP Hồ Chí Minh đến du lịch hè tại Quy Nhơn rất ấn tượng với phát triển du lịch của thành phố. Khi đề cập đến việc mở phố đi bộ, anh cho rằng vào các dịp lễ lớn hay cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP Hồ Chí Minh trở thành không gian phát triển thương mại, dịch vụ, được đông đảo người dân và du khách hưởng ứng. “Quy Nhơn phát triển về du lịch thì việc mở các tuyến phố đi bộ khu trung tâm thành phố để tạo không gian phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ là hết sức cần thiết”, anh An bày tỏ.

Theo UBND TP Quy Nhơn, kinh phí dự kiến thực hiện đề án hơn 104 tỷ đồng. Hiện, thành phố đang tiến hành các công việc liên quan, dự kiến năm 2025 đưa các tuyến phố đi bộ vào hoạt động.

Liên quan đến ý kiến về việc phân luồng giao thông của phố đi bộ Quy Nhơn, UBND thành phố thông tin cụ thể: Vị trí triển khai các gác chắn ngăn xe cơ giới lưu thông trong khung giờ từ 17 – 24 giờ vào các ngày diễn ra hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại tuyến phố đi bộ nằm ở trục đường nội bộ. Toàn bộ các trục đường khác liên đới với khu vực phố đi bộ vẫn giữ nguyên như hiện có. Bãi xe hiện có tại tuyến phố Nguyễn Thiếp cũng sẽ được chuyển đổi thành tuyến phố đi bộ Nguyễn Thiếp, đồng thời đề xuất di dời về 2 điểm gửi xe mới và 1 bãi xe hiện có.

Thành phố thành lập Ban Quản lý Phố đi bộ Quy Nhơn để quản lý và vận hành phố đi bộ. Bố trí lực lượng, đội phản ứng nhanh để xử lý tình huống phát sinh trong quá trình phố hoạt động; lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các điểm trọng yếu, nút giao thông để giám sát ANTT; xây dựng phương án PCCC, đảm bảo an ninh khu vực; thu gom rác, vệ sinh môi trường…

Ông Ngô Hoàng Nam nhận định, triển khai phố đi bộ Quy Nhơn trước mắt sẽ ảnh hưởng, làm thay đổi thói quen sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán dọc vỉa hè đường Nguyễn Thiếp của một bộ phận dân cư, phải mất một khoảng thời gian để tổ chức các hoạt động kinh doanh phù hợp. Vào ngày tổ chức phố đi bộ, sẽ có lượng lớn người dân, du khách, đồng thời sử dụng các dịch vụ ẩm thực, vui chơi, giải trí…, do đó thành phố đặc biệt quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phân luồng giao thông từ xa, bố trí các điểm trông giữ phương tiện hợp lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí cho người dân, du khách tại phố đi bộ.

Phố đi bộ cùng với phố đêm là điểm nhấn du lịch và kinh tế đêm của các đô thị lớn, nhưng với đô thị Quy Nhơn cho đến giờ vẫn còn “khuyết” phố đêm đúng nghĩa, thưa ông?

– Thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 20.5.2021 của Thành ủy Quy Nhơn về “Phát triển kinh tế biển, trọng tâm đẩy mạnh dịch vụ, du lịch biển TP Quy Nhơn đến năm 2025”, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện đến năm 2025 và kế hoạch thực hiện hằng năm. Trong đó, định hướng cùng với phố đi bộ, kinh tế đêm cũng là điểm nhấn du lịch của đô thị Quy Nhơn.

Thời gian qua, thành phố đã xây dựng và hình thành các phố ẩm thực Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư; các điểm tập trung dịch vụ nhà hàng ẩm thực, các điểm vui chơi giải trí về đêm dọc tuyến biển Quy Nhơn như: Khu vực dọc tuyến đường Xuân Diệu và bãi biển Xuân Diệu, khu vực đường Nguyễn Thị Định – An Dương Vương, đường Nguyễn Tất Thành – Lê Duẩn (xung quanh trung tâm thương mại Quy Nhơn). Đối với các làng chài ven biển, thành phố đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế đêm tại 4 khu vực ven biển thuộc làng chài Nhơn Hải, Nhơn Lý, Bãi Xép – Ghềnh Ráng và quy hoạch đầu tư xây dựng khu vực Bãi Trước xã đảo Nhơn Châu.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đề xuất tỉnh phát triển thêm các loại hình dịch vụ du lịch kinh tế đêm thu hút nhà đầu tư lớn vào thực hiện dọc biển Quy Nhơn, đầm Thị Nại, khu du lịch Hải Giang… Các dự án trên đi vào hoạt động sẽ là động lực lớn để thành phố phát triển kinh tế đêm tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Ngoài ra, theo chủ trương của tỉnh, để chuẩn bị xây dựng mới Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, lựa chọn địa điểm và xây dựng phương án di dời chợ đêm Quy Nhơn từ đường Lê Duẩn (phía trước Nhà Văn hóa Lao động tỉnh) về khu vực sân bóng đá của Công viên Thiếu nhi (diện tích sử dụng 2.604 m2). Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ thực hiện di dời ngay chợ đêm Quy Nhơn đến địa điểm mới và tổ chức phương án hoạt động theo hướng hiện đại, văn minh, tạo điểm nhấn độc đáo về đêm, nhằm phục vụ cho nhu cầu, thị hiếu của người dân và khách du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và phát triển du lịch của TP Quy Nhơn nói riêng.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:
❌ CÔNG TY CP IPP SACHI  – CHUYÊN SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI SỈ LẺ  BÁNH TRÁNG SACHI TRÊN TOÀN QUỐC❌
📞 Liên hệ: 0944.665.375 – 0856.665.375
👉 Link shopee: https://shopee.vn/sachi665375
👉 Link sendo: https://www.sendo.vn/shop/banh-trang-sachi
👉 Link Lazada: https://www.lazada.vn/shop/banh-trang-sachi-viet-nam
👉 Link Tiki : https://tiki.vn/cua-hang/banh-trang-sa chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *