Làng nghề gốm cổ Kim Lan – Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề

Làng nghề gốm cổ Kim Lan - Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề
Sau khi được “gắn sao” OCOP, các sản phẩm Gốm Kim Lan được quảng bá rộng rãi trên khắp các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội. Nhờ đó, người tiêu dùng biết, tìm đến mua hàng nhiều hơn, lượng tiêu thụ tăng cao. Điều này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần quảng bá văn hóa vùng miền, gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.

Ghé thăm Kim Lan vào một buổi chiều đầy nắng, làng gốm cổ bên bờ sông Hồng toát lên nét đẹp nghìn năm tuổi vừa duyên dáng và thơ mộng, song cũng không kém phần nổi bật và sôi động. Nghề gốm sứ nơi đây đã trải qua nhiều nốt thăng trầm, có lúc tưởng chừng như đã bị lãng quên. Nhưng với tâm huyết và nỗ lực của các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi, làng gốm ngày nay đã vươn lên mạnh mẽ và giữ được giá trị riêng cho tên tuổi của mình.

Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá sản phẩm gốm Kim Lan năm 2023
Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá sản phẩm gốm Kim Lan năm 2023

Gốm vuốt tay đòi hỏi tâm huyết và kỹ năng tay nghề cao

Đến xưởng gốm của nghệ nhân Phạm Nguyên, khi ông đang say sưa làm nghề. Khắp người ông đầy bùn đất, mồ hôi không ngừng rơi trên khuôn mặt, bàn tay thoăn thoắt tạo nặn hình sản phẩm. Vừa làm việc, anh vừa tâm sự chuyện làm nghề. Anh kể: “Từ nhỏ tôi đã lớn lên bên lò gốm của gia đình và dần gắn bó với nghề tạo hình cho đất từ lúc nào không hay. Chứng kiến nhiều sự thăng trầm của làng nghề trong nhiều năm nhưng chúng tôi vẫn tin rằng tinh hoa hàng nghìn năm của Kim Lan không thể biến mất. Bước ngoặt trong việc “hồi sinh” gốm Kim Lan là năm 2010 khi nhiều xưởng gốm mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ nung bằng lò than sang công nghệ nung mới bằng gas. Tuy có nhiều sự thay đổi về cách làm nghề nhưng tôi vẫn quan niệm rằng: kiên trì với gốm sứ vuốt tay truyền thống là cách giữ gìn linh khí tốt nhất cho làng nghề gốm cổ Kim Lan…”

Điểm khác biệt trong sản phẩm của nghệ nhân Phạm Nguyên là gốm sứ men lam làm từ loại đất sét cao lanh được chọn lọc kỹ lưỡng và được tạo hình hoàn toàn bằng tay. Ưu điểm của cách làm này là gốm ra lò có màu trắng đẹp, sản phẩm bền đẹp theo thời gian, đạt chất lượng tốt, vừa có giá trị thẩm mỹ lẫn giá trị kinh tế cao. Tất nhiên, đi đôi với những giá trị đó là sự đòi hỏi cao về công sức, tâm huyết và kỹ năng của người làm nghề nên không phải ai cũng đủ kiên trì để theo đuổi dòng gốm này.

Một sản phẩm gốm đạt chất lượng phải trải qua một quy trình phức tạp với nhiều bước khác nhau như chọn và xử lý đất, tạo hình, trang trí hoa văn, làm men, nung… Ở xưởng sản xuất của nghệ nhân Phạm Nguyên, chỉ tính riêng bước vẽ hoa văn cho gốm đã có thể mất từ 10-15 ngày nên người thợ không chỉ cần khéo tay mà còn phải có đam mê với nghề thì mới duy trì được công việc.

Nữ du khách Nhật Bản được Nghệ nhân Phạm Nguyên (bên phải) hướng dẫn tạo hình gốm thủ công
Nữ du khách Nhật Bản được Nghệ nhân Phạm Nguyên (bên phải) hướng dẫn tạo hình gốm thủ công

Giữ gìn giá trị cốt lõi của làng nghề truyền thống

Tâm huyết với nghề và những giá trị truyền thống nhưng nghệ nhân Phạm Nguyên không cố chấp trong cách phát triển. Anh lựa chọn việc song hành sản xuất cả sản phẩm truyền thống và sản phẩm bán thủ công. Từ đó, xưởng gốm thu hút được nhiều phân khúc khách hàng, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Đầu ra ổn định giúp xưởng gốm có thu nhập để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Khi kinh tế được đảm bảo cơ bản thì chúng tôi càng có động lực để không ngừng sáng tạo, đa dạng mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là điều kiện quan trọng để tiếp thêm sinh khí cho làng nghề gốm Kim Lan phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Nghệ nhân Phạm Nguyên cho rằng: “Phát triển một làng nghề truyền thống lâu đời như Kim Lan không phải là chuyện một sớm một chiều, đó là quá trình dài đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả người làm nghề, chính quyền địa phương cũng như các bộ, ban ngành liên quan. Là một người con của Kim Lan, tôi quyết tâm nỗ lực giữ ngọn lửa nghề để truyền lại cho nhiều thế hệ tiếp theo để làm sao tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng với giá cả hợp lý, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.”

Đến làng Kim Lan hôm nay, luôn thấy khung cảnh người xe nườm nượp đến làng tham quan, mua bán gốm sứ. Ở trong làng, lò gốm của hàng trăm gia đình ngày đêm đỏ lửa làm gốm giữ nghề. Làng gốm Kim Lan còn có hẳn một khu bảo tàng gốm sứ, một khu chợ gốm sứ để giới thiệu và trưng bày các sản phẩm gốm từ thời cổ xưa đến hiện đại.

Chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Thị Huệ cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 500 hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán, dịch vụ, sản xuất kinh doanh gốm sứ, đáp ứng việc làm cho hơn 3.500 lao động. Những năm gần đây, gốm sứ Kim Lan đã có những chuyển biến tích cực, số hộ sản xuất hàng sứ xuất khẩu ngày càng nhiều. Hiện nay, có khoảng 70% người lao động tại làng Kim Lan tham gia làm gốm. Giá trị kinh tế từ gốm sứ mang lại mỗi năm ước khoảng 500 tỷ đồng, chiếm hơn 75% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã Kim Lan.

Để đẩy mạnh thương hiệu làng gốm Kim Lan, xã đang tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và tự tin sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” dán vào các sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và quảng bá cho sản phẩm địa phương. Xã Kim Lan cũng đã thành lập hội gốm sứ, có hợp tác xã chuyên ngành về gốm sứ đại diện cho các hộ thành viên khi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với đối tác. Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ chủ thể là thành viên hội, hợp tác xã tiếp cận các kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tham gia các hội chợ, tuần hàng… do TP Hà Nội tổ chức.

Đặc biệt, những năm gần đây, xã hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện, nhiều sản phẩm gốm sứ của làng Kim Lan đã được UBND TP Hà Nội đánh giá, công nhận đạt 4 sao OCOP. Đây chính là sự ghi nhận, khẳng định về chất lượng và mẫu mã của gốm sứ Kim Lan, tạo điều kiện để sản phẩm nơi đây ngày một phát triển. Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *