Bện “đuôi trâu” từ cây lúa mang đi xuất khẩu

Bện “đuôi trâu” từ cây lúa mang đi xuất khẩu
 Với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người nông dân ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), những cọng rơm khô đã trở thành sản phẩm mỹ nghệ độc đáo có giá trị để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Độc đáo nghề làm “đuôi trâu”Vùng đất Kim Sơn là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển các giống lúa, diện tích, năng suất và sản lượng lúa của huyện đứng trong tốp đầu của tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên về giá trị mang lại từ cây lúa thì chưa cao, có nhiều giống lúa năng suất thấp và không ổn định, thường xuyên bị mất mùa do thiên tai và sâu bệnh phá hại. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường tăng cao và các hộ dân đã thực hiện tốt việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nên diện tích và chất lượng không ngừng cải thiện qua các năm. Không những thế, cây lúa ở Kim Sơn còn được sử dụng để làm một loại sản phẩm đặc biệt gọi là “đuôi trâu” để mang đi xuất khẩu.

Nghề bện “đuôi trâu” ngày càng phát triển và đem lại thu nhập cao hơn so với các nghề truyền thống khác.
Nghề bện “đuôi trâu” ngày càng phát triển và đem lại thu nhập cao hơn so với các nghề truyền thống khác.

Vào thời gian sắp vào mùa thu hoạch lúa, người dân ở Kim Sơn sẽ chọn những mảnh ruộng tươi tốt còn xanh để gặt sớm. Lúc này, cây lúa cũng chưa hề trổ bông nhưng đều được thu hoạch và mang về để người dân làm sản phẩm. Theo tìm hiểu, những cây lúa xanh này sẽ được thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản. Sản phẩm này được sử dụng trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của người Nhật, sử dụng chế tạo làm các loại đồ thờ cúng. Trong đó, sản phẩm phổ biến nhất là sợi dây thừng xoắn hay còn gọi là shimenawa. Cây lúa sau khi thu hoạch sẽ được sấy khô, giữ màu xanh đặc trưng, lúa vẫn còn mang hương thơm và có độ dẻo dai. Lúc này, người làm sẽ bện chúng lại với nhau thành hình dạng dài nhìn như cái đuôi trâu nên người dân gọi là nghề bện “đuôi trâu”.

Một phụ kiện đi kèm trang trí cho sản phẩm “đuôi trâu”.
Một phụ kiện đi kèm trang trí cho sản phẩm “đuôi trâu”.

Hiện nay, công việc bện đuôi trâu này đang phát triển mạnh ở các xã như Tân Thành, Ân Hòa, Thượng Kiệm, Quang Thiện… Ông Trần Ngọc Chiến – một trong những hộ gia đình ở xã Ân Hòa cho biết: “Sản phẩm đuôi trâu là loại hàng hóa đặc biệt được bện bằng cây lúa khô. Ở Nhật Bản người ta ưa dùng loại này để phục vụ trong các hoạt động tín ngưỡng, họ thích sợi lúa của nơi đây nên nhiều doanh nghiệp đã thu mua cho bà con và xuất khẩu. Nhờ sự thay đổi này mà giá trị của cây lúa tăng cao và mang lại thu nhập cho bà con nơi đây.”

Hướng đi mới nâng tầm giá trị

Loại “đuôi trâu” này được làm từ thân cây lúa tám xoan hoặc tám thơm được trồng ở vùng đất của huyện Kim Sơn. Sau khi gieo trồng khoảng 45 ngày, lúc lúa chưa trổ bông, còn màu xanh thì người dân sẽ thu hoạch. So với cấy lúa truyền thống, trồng lúa làm “đuôi trâu” có thể làm nhiều mùa vụ hơn trong một năm mà lợi ích kinh tế lại nhiều hơn.

Tuy nhiên, công việc này cũng không hề đơn giản bởi Nhật Bản là thị trường khó tính nên sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi chất lượng theo đúng yêu cầu. Chưa kể đây là sản phẩm làm đồ tín ngưỡng nên họ cũng tuyển chọn rất cao để sử dụng. Lúa trồng vẫn phải được chăm sóc đầy đủ để không bị nhiễm sâu bệnh, nếu cây lúa yếu, không đảm bảo yêu cầu về độ dài, màu sắc và hình dạng thì rất khó bán. Theo đó, lúa bện đuôi trâu phải dài, xanh mướt tự nhiên, có hương thơm đặc trưng, không chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

ới hình dạng có phần giống “đuôi trâu” nên người dân gọi là nghề bện “đuôi trâu”.
Với hình dạng có phần giống “đuôi trâu” nên người dân gọi là nghề bện “đuôi trâu”.

Theo bà Nguyễn Thị Trang, chủ một cơ sở chuyên thu mua lúa non và xuất khẩu “đuôi trâu”, mấy năm qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ gặp khó khăn về đầu ra nhưng riêng các sản phẩm bện tết từ lúa non này vẫn tiêu thụ tốt. Hiện tại, cơ sở của gia đình đang liên kết với các hộ nông dân cấy 150 mẫu ruộng chuyên để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất.

Ngoài việc thu hoạch trên đồng ruộng thì nghề này là công việc khá nhẹ nhàng nên đã trở thành việc làm phù hợp cho phụ nữ và người lớn tuổi. Mỗi tháng người dân ở Kim Sơn có thể kiếm được từ 4-7 triệu đồng từ nghề bện “đuôi trâu” này. Có thể nói, nghề bện “đuôi trâu” là một nét khác biệt ở huyện Kim Sơn mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân góp phần vào phát triển kinh tế chung của địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *