Ở làng quê Việt Nam, không ai không ấn tượng với hình ảnh những cô thôn nữ mặc yếm đào chăm chỉ bên đồng ruộng, nương dâu. Hình ảnh đó đã được Công ty TNHH Gỗ mỹ nghệ Âu Lạc (Điện Bàn, Quảng Nam) sử dụng làm nguồn cảm hứng sáng tạo sản phẩm đèn ngủ độc đáo gọi là Đèn Thôn nữ. Sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt, mang giá trị thủ công truyền thống, phù hợp với trang trí nội thất cùng công năng sử dụng.
Từ khối gỗ thô mộc, để trở thành một tác phẩm nghệ thuật Âu Lạc là cuộc hành trình đầy thú vị. Tình yêu và niềm đam mê là nguồn cảm hứng để người nghệ nhân sáng tác. Từng nhát đục đẽo dần làm cho khúc gỗ trở nên có hồn và hoàn thiện thành một tác phẩm.
Đèn Thôn nữ bao gồm 2 chiếc có thể sử dụng từng chiếc riêng lẻ. Đèn có vân gỗ khá cầu kỳ, bề mặt được làm nhẵn, dễ sử dụng và an toàn. Đèn được thiết kế với đế đèn hình lá áp tường, thân đèn hình yếm đào thôn nữ với nút vặn để bật tắt và điều chỉnh độ sáng cho phù hợp với nhu cầu người sử dụng. Đèn Thôn nữ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí, phù hợp làm quà tặng dành cho những người thương yêu.
Đèn Thôn Nữ là sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 4. |
Với nhiều nét đặc biệt, Đèn Thôn nữ trở thành một trong những món quà đặc trưng của Quảng Nam đối với du khách trong nước và nước ngoài. Năm 2020, Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc đăng ký sản phẩm “Đèn Thôn nữ” tham gia đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam và được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.
Theo đại diện Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc, trong thời gian tới, Âu Lạc sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm Đèn Thôn nữ với mong muốn khẳng định giá trị văn hóa truyền thống thông qua những sản phẩm gỗ nghệ thuật. Ngoài sản phẩm Đèn Thôn nữ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào tham gia chương OCOP để quảng bá thương hiệu Âu Lạc nói riêng và thể hiện nét tinh hoa trong đồ mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam.
Đèn Thôn Nữ có giá bán dao động từ 4-5 triệu đồng/cái, phù hợp làm đồ nội thất và làm quà tặng. |
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, thời gian qua, Thị xã Điện Bàn đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP và coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ðồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng hóa,và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Có thể nói, với những kết quả mà Chương trình OCOP mang lại có ý nghĩa xã hội hết sức quan trọng đã góp phần “đánh thức” tiềm năng phát triển của các sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của thị xã Điện Bàn đã và đang triển khai./.