Làng nghề là nơi có nhiều sản phẩm đạt chất lượng để tham gia chương trình OCOP. |
Hà Nội được xem là vùng đất bách nghệ với hơn trăm làng nghề và làng có nghề, cùng với đó là hàng nghìn sản phẩm đi kèm. Đây là điều kiện thuận lợi cho chương trình OCOP làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Sau gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP ở Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhằm quảng bá sản phẩm OCOP tới đông đảo người dân trong nước và quốc tế, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối như mở các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, kênh thương mại điện tử…
Đến nay, thành phố Hà Nội đã có hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã. Qua đó quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô. |
Là một trong những địa phương đi đầu Thành phố về số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Trong triển khai thực hiện OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm, huyện Thường Tín có 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và hàng trăm sản phẩm tiềm năng OCOP, đang xây dựng OCOP…. Việc mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; nhằm giúp các làng nghề, cơ sở sản xuất mở rộng cơ hội phát triển thị trường
Là một trong những đơn vị đồng hành, chung tay cùng các chủ thể OCOP đưa những sản phẩm, thương hiệu, đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Hiện, sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận. Doanh nghiệp hy vọng sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở những bữa ăn gia đình mà còn được phổ cập vào bếp ăn trường học, khu công nghiệp để tất cả mọi người đều được hưởng giá trị sản phẩm từ OCOP mang lại cho sức khỏe, từng bước đưa thương hiệu OCOP đến gần với người tiêu dùng.”
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hoạt động ứng dụng công nghệ số để xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP còn chưa đạt được những kết quả tương xứng với tiềm năng thực tế.
Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm. |
Thời gian qua, Trung tâm HPA thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo…Rõ ràng việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, bảo đảm duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm…Do đó, để tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, phát huy những kết quả đã làm được, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ có tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại.
Việc lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm là việc làm thiết thực của Thành phố giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng. Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn./