OCOP Bình Ðịnh thiếu nét riêng 1

OCOP Bình Ðịnh thiếu nét riêng

Chương trình sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) ra đời gắn liền với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của Chương trình OCOP là xây dựng được những sản phẩm mang đặc trưng địa phương, gắn kết cộng đồng trong từng sản phẩm nhằm tạo dấu ấn riêng.

Phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định năm 2022. Ảnh: THU DỊU

Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 217 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao trở lên, trong đó có 177 sản phẩm được chứng nhận 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm hạng tiềm năng 5 sao. Để tạo không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn với sản phẩm OCOP, tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 – 2025. Kế hoạch này tập trung hỗ trợ, chuyển giao về KHKT, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường hoạt động đầu tư, xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường. Ở bước đầu triển khai, nhận định chung của ngành chức năng, của các chủ thể OCOP là việc được chứng nhận tạo động lực cho họ trong sản xuất kinh doanh, có thêm một kênh nhận diện sản phẩm để người tiêu dùng đón nhận…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, một vấn đề đặt ra, đã thảo luận nhiều, đó là “nét riêng – tính đặc trưng riêng – câu chuyện riêng” của từng sản phẩm OCOP.  Sản phẩm OCOP của tỉnh ta nhiều, được đánh giá về chất lượng rất khả quan, nhưng lại có quá nhiều sự trùng lắp. Trong khi, mục tiêu của phát triển OCOP là kích hoạt được tính cộng đồng của địa phương, sản phẩm phải được kiến tạo từ chính cộng đồng cư dân ở đó – để họ cùng tạo ra giá trị kinh tế thông qua lao động sản xuất kinh doanh; cùng giữ gìn bản sắc chung thông qua gắn kết làm việc và quan trọng là sản phẩm phải mang dấu ấn của vùng đất đó. Một yêu cầu cơ bản của sản phẩm OCOP là khi đưa lên kệ hàng, phải mang theo câu chuyện của riêng nó. Đây là giá trị mềm mà các sản phẩm công nghiệp, sản xuất hàng loạt không có được. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh thiếu yếu tố này hoặc có nhưng mờ nhạt, trùng lặp. Những cái thiếu, yếu ấy khiến sản phẩm OCOP chưa thể lan tỏa rộng khắp, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Gần đây, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Những phiên chợ, hội chợ, điểm trưng bày sản phẩm OCOP trong tỉnh được tổ chức nhiều hơn, dài hơn và chuyên nghiệp hơn. Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với phục vụ du lịch nông thôn đang được khởi động. Thêm nữa, sản phẩm OCOP Bình Định cũng dùng để đón tiếp, làm quà cho khách quý tại các hội nghị lớn của tỉnh. Mới đây, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã quảng bá, tiếp thị cho OCOP Bình Định với các thí sinh tham dự Vòng chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023. Riêng điều này đã thành một câu chuyện mà các chủ thể OCOP không thể bỏ qua.

Giảm bớt sự na ná, tạo dựng những nét riêng có và xây dựng được những câu chuyện thú vị đính kèm sản phẩm OCOP có lẽ là điều mà các chủ thể sản phẩm cũng như chính quyền các địa phương nên đầu tư nhiều hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *