Moitruong.net.vn – Huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) là huyện đồng bằng ven biển, chủ yếu sản xuất nông nghiệp; nên có khá nhiều nguồn nông sản để xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay huyện Phù Cát đã xây dựng được 11 sản phẩm OCOP. Thời gian tới, huyện sẽ đưa thêm một số sản phẩm đặc trưng để đánh giá bình chọn sản phẩm OCOP.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Phù Cát đã tạo điều kiện cho chủ thể tham gia tập huấn giới thiệu về chương trình này; gắn với hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh và đăng ký tham gia chương trình.
Theo đó, huyện cấp phát sổ tay hướng dẫn Chương trình OCOP cho các cán bộ đoàn thể, cán bộ các xã, thị trấn, các hộ sản xuất – kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Qua thời gian triển khai, đến nay huyện Phù Cát đã có 11 sản phẩm được cấp sao OCOP cấp tỉnh, từ 3 đến 5 sao. Theo đó, sản phẩm con giống Gà ta Cao Khanh, (xã Cát Tân) được xếp hạng 5 sao, sản phẩm Nón Ngựa Phú gia, (xã Cát Tường) xếp hạng 4 sao; 9 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: Bún phở Cô Phương (thị trấn Ngô Mây), Dầu phộng Công Chính (xã Cát Tài), Chả lụa Ngọc Nga (xã Cát Minh), Nước mắm Thái An (xã Cát Khánh), Bánh cốm Phong Nga – Bánh gạo lứt nguyên hạt Phong Nga (xã Cát Tường), Trà cà gai leo Bảo Khánh – Bột trái nhàu Bảo khánh – Trà bí đao Bảo Khánh (xã Cát Tân).
Ngoài ra, huyện còn tư vấn cho chủ thể một số nội dung để hoàn chỉnh sản phẩm tham gia chương trình OCOP như đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì sản phẩm đúng theo quy định…
Muối Đề Gi – Phù Cát được người tiêu dùng ưa chuộng
Do là huyện nông nghiệp nên Phù Cát có khá nhiều sản phẩm có thể công nhận sản phẩm OCOP. Vì vậy, huyện đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các sản phẩm có tiềm năng như: Bún gạo, Nem chua, Chả lụa, Trà xạ đen túi lọc,… đạt chuẩn tham gia đánh giá, phân hạng. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu, tích cực khuyến khích cải tiến mẫu mã, bao bì… để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận cho chủ thể, huyện còn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh.
Đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; gắn với phát triển các sản phẩm có tiềm năng ở các xã, thị trấn đạt sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Khuyến khích phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm tiến tới hoàn thiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm thành sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cát chia sẻ: “Chương trình OCOP trên địa bàn huyện bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan; phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao. Đồng thời, Chương trình OCOP đã thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn”.
Sản phẩm con giống Gà ta Cao Khanh, xã Cát Tân – Phù Cát được xếp hạng 5 sao
Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển; thời gian tới huyện Phù Cát tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn đăng ký tham gia chương trình. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất; sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Huyện Phù Cát coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới.