Sôi nổi sản phẩm OCOP ở Bình Định 1

Sôi nổi sản phẩm OCOP ở Bình Định

Nhiều năm qua, Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) tại tỉnh Bình Định diễn ra rất sôi động, nhiều sản phẩm nông nghiệp, truyền thống được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao.

Hiệu quả Chương trình OCOP

Chương trình OCOP là giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở địa phương. Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất; thị trường bán sản phẩm cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, tạo động lực để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh và quảng bá thương hiệu đặc sản.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 136 tổ chức kinh tế (chủ thể) tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, 114 tổ chức kinh tế với 133 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Sôi nổi sản phẩm OCOP ở Bình Định - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP của Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) trưng bày tại Hội nghị du lịch. Ảnh: TB.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 3 sao đang được các chủ thể tiếp tục đăng ký lên 4 sao bằng cách thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo mẫu mã đẹp, bắt mắt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Nhận thấy nhiều lợi ích khi tham gia chương trình OCOP, từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở sản xuất ở Bình Định đã đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sao OCOP cấp địa phương như TP.Quy Nhơn, huyện Hoài Ân, thị xã An Nhơn.

Năm 2022, Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu có trên 30 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, khoảng 20 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp Trung ương.

Lan toả chinh phục thị trường

Ông Huỳnh Văn Duy, thành viên HTX Thanh niên huyện Hoài Ân cho biết, HTX đang từng ngày nỗ lực tìm cách đưa nhiều sản phẩm OCOP của Hoài Ân lên sàn thương mại điện tử và quảng bá sao cho thật ấn tượng, xây dựng được uy tín thương hiệu, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, giá cả ổn định để tạo tiền đề cho thu nhập bền vững.

“Sàn thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ, tập huấn cho chúng tôi cách đưa sản phẩm lên sàn. Vụ bưởi năm 2022, thông qua kênh Postmart, chúng tôi đã bán được gản cả trăm tấn bưởi da xanh, tạo động lực để chúng tôi yên tâm khai thác kênh tiêu thụ này”, ông Duy nói.

Cùng với việc hỗ trợ xây dựng sản phẩm hợp chuẩn, nâng hạng OCOP, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định còn phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các siêu thị, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, phối hợp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Sôi nổi sản phẩm OCOP ở Bình Định - Ảnh 2.

Sản phẩm bún khô của Kicafoods ở xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) được làm từ 100% gạo quê. Ảnh: TB.

Bình Định đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP tập trung các nhóm sản phẩm như: Nước mắm, hải sản khô; rau, củ, quả; mật ong; yến sào; các sản phẩm chế biến sẵn như nem, chả, chả ram tôm đất, bánh ít, bánh cốm, rượu Bàu Đá… Cùng với đó, khuyến khích cơ sở ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, ứng dụng công nghệ nhận diện sản phẩm thông minh, giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, hầu hết các sản phẩm ở Bình Định đều có chỗ đứng vững chãi trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao như: Cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải Nguyên và Công ty TNHH Tân Xuân Lộc  ở phường Tam Quan Bắc (Thị xã Hoài Nhơn); gà giống của Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư ở  xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) đã được tiêu thụ ở nước ngoài.

Các sản phẩm đạt 4 sao, 3 sao đều là sản phẩm đặc trưng của Bình Định, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, nguồn nguyên liệu của địa phương, sản xuất an toàn. Ví như dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An, nước mắm Như Hoa, yến sào Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn); nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát).

“Tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử là một xu thế tất yếu hiện nay. Cùng với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử giúp các hộ nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước, hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho hay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *