Tía tô là loại rau gia vị được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt. Bên cạnh đó, nó còn là vị thuốc quý theo Đông y. Trong bài viết, Thật Là Ngon sẽ chia sẻ đến bạn đọc 9 tác dụng của nước lá tía tô. Hãy theo dõi bài viết và chia sẻ đến bạn bè, người thân để cùng nhau bảo vệ sức khỏe nhé.
Tìm hiểu về cây tía tô
Tía tô là loại cây thảo được trồng nhiều nơi tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Các bộ phận của cây tía tô đều được sử dụng để làm thuốc:
- Lá (còn gọi là tô diệp): có tác dụng hạ sốt, giải cảm, giảm sưng viêm, chống dị ứng,…
- Cành (còn gọi là tô ngạnh): có tác dụng trị ho, tiêu đờm, hạ khí.
- Hạt (còn gọi là tô tử): có tác dụng lý khí, thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh về đường tiêu hóa.
Tác dụng của nước lá tía tô
Chứa hàm lượng lớn vitamin, chất dinh dưỡng nên lá tía tô không những được dùng để chế biến món ăn ngon mà còn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, có thể kể đến như:
Hạ sốt
Từ lâu, lá tía tô đã là loại thảo dược nổi tiếng trong đông y với tác dụng chữa cảm, đào thải độc tố rất hiệu quả. Bởi tía tô chứa nhiều tinh dầu có khả năng hạ sốt, giảm ho khan, giảm đau nhức,…
Nếu bị sốt, bạn hãy xông lá tía tô, sả và chanh khoảng 10-15 phút để thải mồ hôi độc. Để tăng hiệu quả hạ sốt, bạn có thể đun nước lá tía tô để uống hoặc nấu cháo cùng lá tía tô và thịt băm. Món cháo này vừa để người bệnh lấy sức vừa để giải cảm.
Chống dị ứng
Lá tía tô có chứa glycoprotein – chất gây ức chế hoạt động của hyaluronidase. Đồng thời, chiết xuất ethanol của tía tô cũng có khả năng làm giảm phản ứng dị ứng, giảm tình trạng viêm đường thở và các bệnh liên quan đến hen suyễn.
Đặc biệt, với những ai thường bị nổi mề đay, mẩn ngứa khi thay đổi thời tiết, sinh hoạt,… thì có thể uống nước lá tía tô để làm giảm triệu chứng. Bên cạnh đó, giã lá tía tô rồi đắp vào vùng da mẩn ngứa cũng là cách để giảm ngứa hiệu quả.
Chống ngộ độc
Ngộ độc thức ăn là tình trạng không còn xa lạ trong đời sống sinh hoạt hiện nay. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là chúng ta ăn thực phẩm bị ô nhiễm, ôi thiu. Để làm giảm triệu chứng của ngộ độc, người bệnh cần nhanh chóng loại bỏ chất độc trong cơ thể. Và uống nước lá tía tô chính là cách nhanh nhất để loại bỏ hết lượng độc tố đó.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa
Hỗ trợ điều trị, làm lành tổn thương hệ tiêu hóa là một trong những tác dụng của nước lá tía tô mà mọi người thường sử dụng. Nhờ hoạt chất tanin và glucosamine nên nước lá tía tô có khả năng chống viêm nhiễm, tăng cường làm lành tổn thương.
Nếu gặp triệu chứng đau dạ dày, trào ngược dạ dày, bạn có thể uống nước lá tía tô tươi hoặc nhai lá tía tô cùng muối hồng rồi nuốt để làm giảm triệu chứng đau nhức.
Hỗ trợ điều trị gout
Enzym xanthin oxidase là nguyên nhân hình thành axit uric trong máu gây nên bệnh gout. Ngoài phương pháp uống thuốc điều trị, còn có cách để làm giảm cảm giác đau nhức khi bệnh gout tái phát chính là sử dụng lá tía tô. Bởi trong lá tía tô có chứa nhiều chất gây ức chế, làm giảm enzym xanthin oxidase.
Muốn giảm nhanh tình trạng đau nhức, bạn nên uống nước lá tía tô kết hợp với đắp lá tía tô giã nhuyễn vào vùng khớp bị đau.
Thúc đẩy hoạt động của hệ thần kinh
Tình trạng suy giảm trí nhớ, giảm khả năng nhận thức gây nhiều cản trở trong sinh hoạt hàng ngày, nổi bật hơn cả là bệnh Alzheimer. Axit béo omega 3 trong lá tía tô có tính chống oxy hóa, chống viêm nên nó là nguồn bổ sung năng lượng cho não bộ, tăng cường hoạt động cho hệ thần kinh.
Bên cạnh đó, uống nước lá tía tô hay xông tinh dầu tía tô còn giúp làm giảm căng thẳng, chống trầm cảm.
Làm đẹp da từ bên trong
Có thể nói, làm đẹp da là tác dụng của nước lá tía tô được nhiều chị em quan tâm nhất hiện nay. Với đặc tính hỗ trợ giảm viêm, giảm sưng, kháng khuẩn, lá tía tô sẽ giúp bạn làm giảm tình trạng mụn viêm, mụn bọc,… Bên cạnh đó, uống nước lá tía tô hàng ngày cũng là cách để bạn thải độc qua tuyến mồ hôi. Từ đó, chất độc có hại cho cơ thể và làn da sẽ được đào thải.
Giảm nguy cơ mắc ung thư
Trong lá tía tô có chứa luteolin. Bản chất của thành phần này tương tự như chất chống oxy hóa flavonoid. Bên cạnh đó, tía tô còn có hợp chất axit rosmarinic và triterpene. Những hợp chất kể trên đã được chứng minh là có khả năng chống lại sự hình thành của các tế bào ung thư.
Giúp giảm cân
Không cần sử dụng các loại thuốc giảm cân đắt tiền, nước lá tía tô vẫn có khả năng giúp chị em giảm cân an toàn, nhanh chóng. Lá tía tô chứa lượng lớn tinh dầu alpha linolenic có tác dụng làm giảm cholesterol. Bên cạnh đó, chất xơ trong tía tô cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định hơn. Nhờ đó, bạn có thể giảm cân nhanh chóng nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe.
Giảm ho
Mẹo dùng nước lá tía tô để giảm triệu chứng ho, viêm họng đã được nhiều người truyền tai nhau và sử dụng từ rất lâu. Loại lá này có tính ấm, vị cay nên có tác dụng hóa đờm, trị ho. Ngoài cách uống nước lá tía tô nguyên chất, bạn còn có thể giảm ho, tiêu đờm bằng cho thêm nước quả đại táo và mận tươi kết hợp cùng nước lá tía tô hoặc nấu cháo với rau tía tô cho người bệnh ăn.
Cách dùng nước lá tía tô để giảm ho chỉ là hỗ trợ làm giảm triệu chứng chứ không thể điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ra tình trạng này. Do đó, trong trường hợp người bệnh bị ho kéo dài, đã uống nước lá tía tô nhưng không thuyên giảm thì nên đến các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân.
Giảm sưng đau vùng ngực ở phụ nữ
Như đã chia sẻ ở trên, trong nước lá tía tô tươi có thành phần kháng khuẩn, hỗ trợ giảm sưng tấy. Nếu bạn đang gặp tình trạng sưng đau ở vùng ngực thì có thể uống nước lá tía tô kết hợp đắp lá giã nhuyễn ở vùng bị sưng.
Dưỡng thai
Lá tía tô giàu chất xơ, vitamin A, vitamin C và các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Do đó, với thể trạng thai phụ khỏe mạnh thì có thể uống nước lá tía tô để dưỡng thai. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên uống quá nhiều nước lá tía tô trong thời gian dài vì có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến tim mạch.
Hướng dẫn nấu nước lá tía tô
Sau khi tìm hiểu tác dụng của nước lá tía tô, chắc hẳn nhiều bạn đang tò mò về cách nấu loại nước “thần thánh” này. Mặc dù có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe nhưng quy trình nấu nước lá tía tô không hề phức tạp. Cùng tham khảo cách làm dưới đây của Thật Là Ngon nhé.
Nguyên liệu
- Lá tía tô tươi: 200g.
- Chanh: 1 trái.
- Nước lọc: 2 lít.
- Muối: 1 muỗng cà phê.
Chế biến
- Rửa lá tía tô sạch sẽ rồi ngâm cùng nước muối loãng khoảng 10-15 phút. Sau đó, vớt ra để lá ráo nước.
- Đun sôi 2 lít nước lọc, cho lá tía tô vào rồi đun sôi thêm 5 phút rồi tắt bếp. Tiếp tục đậy kín nắp và ủ thêm 20 phút để tinh chất trong lá tía tô ra hết.
- Khi nước tía tô nguội, bạn có thể vắt thêm chanh để nước dậy vị và dễ uống hơn.
Lưu ý khi sử dụng và bảo quản nước lá tía tô
- Khi đun sôi nước lá tía tô, không nên đun quá 15 phút vì các tinh dầu trong lá tía tô có thể bị bốc hơi, làm giảm công dụng của tía tô.
- Lá tía tô là nguyên liệu tự nhiên nên tác dụng thường khá chậm. Do đó, bạn nên kiên trì sử dụng để cảm nhận hiệu quả của nước lá tía tô.
- Không nên lạm dụng hay uống quá nhiều nước lá tía tô vì nó có thể làm bạn bị chướng bụng và gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Mỗi ngày chỉ nên uống từ 3-4 ly và chia nhỏ thành nhiều lần uống.
- Khi không sử dụng, nên bảo quản nước trong tủ lạnh. Tuy nhiên, hãy lưu ý nước lá tía tô tươi chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi nấu vì để càng lâu thì dưỡng chất của lá tía tô sẽ giảm đi đáng kể.
- Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên uống nước lá tía tô trước ăn khoảng 30 phút.
- Người đang ra nhiều mồ hôi hoặc bị cảm nóng thì không nên uống nước lá tía tô.
Một số bài thuốc sử dụng lá tía tô
Uống nước lá tía tô nguyên chất là cách đơn giản nhất để hỗ trợ giảm ho, giảm sưng viêm, hạ sốt, chống dị ứng,… Tuy nhiên, để tía tô phát huy tối đa hiệu quả, bạn nên kết hợp tía tô cùng các vị thuốc khác như:
- Giải cảm: Sử dụng nước lá tía tô cùng với hương phụ, trần bì, cam thảo và gừng tươi để uống hoặc xông để làm toát mồ hôi và hạ sốt nhanh hơn.
- Giảm ho: Sử dụng lá tía tô, hạt tía tô, la bạc tử, bạch giới tử để sắc nước uống. Bài thuốc này có tên gọi là “tam tử dưỡng thân thang” có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp, tiêu đờm, giảm ho.
- Giảm sưng đau xương khớp: Sử dụng lá tía tô, cát cánh, nhân sâm, trần bì, mộc hương, bán hạ, cam thảo, tiền hồ và gừng khô sắc nước uống. Mỗi vị thuốc dùng 2 gam đun cùng 600ml đến khi còn 200ml.
- Chữa đau bụng, ngộ độc: Sử dụng lá tía tô, gừng tươi, cam thảo sắc nước uống. Lưu ý nên uống khi thuốc còn nóng vừa làm ấm bụng vừa giảm đau hiệu quả hơn.
- Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Sử dụng lá tía tô, kinh giới, cam thảo và gừng tươi sắc nước uống.
Sachi Nguyễn đã tổng hợp các công dụng, giải đáp thắc mắc “tác dụng của nước lá tía tô là gì?” để bạn đọc hiểu rõ hơn về loại nước lá bổ dưỡng này.