Nông dân Bình Định đang ngày càng tiến gần hơn với công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi. Chính họ góp một tay hình thành cơ sở dữ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất theo thời đại mới. Đó là bước đầu trong tiến trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp ở Bình Định.
Như lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc“Chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT” ngày 18.6.2021:“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và ngành Nông nghiệp chủ động bước lên toa tàu đổi mới để không bị bỏ lại phía sau; chuyển đổi số hiểu một cách đơn giản là giúp nông dân dựa vào dữ liệu để sản xuất, dựa vào công nghệ kết nối để bán hàng. Chuyển đổi số giúp nông dân không bị bỏ rơi trên cánh đồng tri thức”.
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC NÔNG SẢN“MADE IN BÌNH ĐỊNH”
Cầm quả bưởi da xanh có gắn nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” cùng mã QR, dùng điện thoại thông minh chụp quét mã, người mua có ngay những thông số: Vườn bưởi, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm. Nông sản “made in Bình Định” đang dần ra thị trường theo cách như thế. Bây giờ nói về mã QR cho nông sản không còn lạ, nhưng chỉ cần lần ngược lại chỉ ít năm trước thôi sẽ thấy đó là một quá trình chuyển đổi của nông dân và đặc biệt là cả của cán bộ quản lý ở huyện Hoài Ân.
Chị Trần Thị Thu Thủy, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, cho biết: Khi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân chia sẻ và hướng dẫn về mã QR, tôi rất ngạc nghiên. Một thao tác nhỏ trên điện thoại mà có được thông tin về vườn bưởi, người trồng, quy trình chăm sóc, hay quá. Nhưng không chỉ có vậy, ông Huỳnh Văn Nhu, thôn Thạch Long, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, nói: Click nhẹ lên điện thoại, cả quá trình chăm sóc bưởi từ ra bông đến kết trái, thu hoạch mang ra chợ đều hiển thị trước mắt người mua. Có mã QR, một cân bưởi da xanh Hoài Ân bán ra thị trường được 40.000 – 50.000 đồng, một gốc bưởi cho quả đẹp, chất lượng, nông dân thu được hơn 1 triệu đồng. So với trước đây, phần được thấy rõ ngay.
Kể về mã QR, cái hay không chỉ ở chỗ biết gốc gác sản phẩm, nhiều nông dân cho biết, họ dựa trên đó áp dụng thêm các tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất.
Từ những giá trị đó, huyện Hoài Ân đẩy mạnh phát triển cấp mã QR cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân, cho biết, theo kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện giai đoạn 2021 – 2025, Trung tâm tiếp tục hướng dẫn và cấp mã QR truy xuất nguồn gốc cho chè Gò Loi, dừa xiêm, quýt, mít Thái, tiêu hột… Mã QR là một trong các yếu tố để minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, toàn bộ quá trình sản xuất nông sản của nông dân. Càng minh bạch bao nhiêu, mức độ tín nhiệm của người mua hàng tăng bấy nhiêu, từ đó đưa tới các giá trị khác.