Cách TP Quy Nhơn khoảng 35 km về hướng Bắc, làng nón ngựa Phú Gia thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có tuổi đời gần 400 năm. Nhắc đến làng nón ngựa Phú Gia thì không thể không nói đến cụ Đỗ Văn Lan (72 tuổi, ngụ địa phương), bởi cụ là nghệ nhân có tuổi đời làm nón cao nhất làng với hơn 55 năm kinh nghiệm.
Theo cụ Lan, gia đình cụ đã trải qua 5 đời làm nghề nón ngựa, từ thời ông cố cụ đến ông nội cụ, cha cụ, cụ và con cụ. Sở dĩ gọi tên nón ngựa là vì chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, những nghệ nhân ở đây làm ra chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua, quan đội khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.
Các họa tiết thêu trên nón ngựa cũng khác nhau, tương ứng với chức vụ, phẩm hàm của từng người đội. Sau này, hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định trước những năm 1945.
Nón ngựa Phú Gia được kết cấu rất đặc biệt, lại vô cùng bền chắc. Nón được kết thành 10 lớp, nguyên liệu làm nón là lá kè (lá cọ) mọc tự nhiên trong rừng núi Bình Định, ống giang (cật), rễ dứa. Lá kè làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết, rễ dứa phải là loại rễ đã nằm trong lòng đất 2 – 3 năm, có độ bền chắc, đàn hồi tốt.
Có đến 10 công đoạn làm ra nón ngựa, từ tạo sườn cho đến thêu thuyền, kết lá… Hoa văn trên nón ngựa đa số là các hình ảnh mang đậm bản sắc người Việt như: Đám mây, long-ly-quy-phụng, hoa sen, bầu rượu…
“Nón ngựa Phú Gia được làm thủ công với nhiều công đoạn công phu, mỗi công đoạn lại yêu cầu cách thức khác nhau. Vì thế, người làm nón phải có sự tinh tế, dứt khoát, khâu nào ra khâu đó. Nếu như khâu nào làm không tỉ mỉ thì sẽ ảnh hưởng đến giá trị chiếc nón”, cụ Lan cho hay.
Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn sẽ có độ bền sử dụng 150 đến 200 năm. Hiện nhiều chiếc nón ngựa của 200 năm trước vẫn còn được lưu giữ tại thôn Phú Gia. Mỗi thế hệ gia đình làm nghề chằm nón ở Phú Gia như gia đình cụ Lan đều giữ lại ít nhất 1 cặp nón ngựa (gồm nón nam và nón nữ) để làm kỉ vật. Trong đó, gia đình cụ Lan vẫn còn giữ 4 cặp nón ngựa có tuổi từ đời 100 đến 200 năm
Làng nón ngựa Phú Gia hiện nay có khoảng hơn 200 người sống bằng nghề làm nón. Theo nhiều nghệ nhân trong làng, vì người mua chủ yếu là khách du lịch để về làm kỷ niệm nên ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, làng nghề Phú Gia ngày nay còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân hơn.
Do vậy, hiện nhiều người làm nón ngựa Phú Gia đã cách tân chiếc nón ngựa truyền thống thành một sản phẩm dễ làm, ít tốn thời gian, nguyên vật liệu dễ tìm hơn. Người làm nón chỉ giữ lại những công đoạn chính trong quy trình làm nón ngựa truyền thống, một số nguyên liệu làm nón cũng được thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường.
Chị Đỗ Thị Tuyết (ngụ thôn Phú Gia) cho biết với chiếc nón lá bình thường, một người có thể chằm từ 3 – 5 chiếc/ngày, giá xuất xưởng 20.000 đồng/chiếc. Còn nón ngựa thì phải mất 4 – 7 ngày mới có thể hoàn thành một chiếc, tùy theo yêu cầu của phía đặt hàng, với giá bán từ 500 ngàn đồng/chiếc trở lên.
“Những năm trước, nghề làm nón ngựa ở Phú Gia gặp khó khăn do chỉ quanh quẩn các mối hàng quen. Nhờ người làng vững lòng giữ nghề nên nay nón ngựa lại thành “của hiếm”. Hơn nữa nhờ chính quyền địa phương chú trọng đầu tư, quảng bá hình ảnh làng nghề nên nón ngựa Phú Gia có thêm nhiều người biết tới. Do vậy, 5 năm qua, đơn đặt hàng ở làng nón ngựa Phú Gia liên tục tăng”, chị Tuyết chia sẻ.
Ngày nay, chiếc nón ngựa Phú Gia không chỉ thu hút du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài. Theo cụ Đỗ Văn Lan, cách đây 5 năm, cụ nhận được một đơn hàng khá đặc biệt từ một nữ du khách trẻ tuổi người Pháp.
“Đến bây giờ, đơn hàng đáng nhớ nhất của nghề làm nón đối với tôi là 10 chiếc nón ngựa vào 5 năm trước, do một nữ du khách trẻ tuổi người Pháp đặt để mang về nước làm quà lưu niệm, với giá 3 triệu đồng một chiếc. Từ đó, người nước ngoài đã biết đến nón ngựa Phú Gia”, cụ Lan nhớ lại.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết có giai đoạn khó khăn, làng nón ngựa Phú Gia khá đìu hiu. Thế nhưng bà con đã linh hoạt, mạnh dạn đầu tư tìm đầu ra. Còn mỗi một cán bộ ở xã coi việc góp tay tôn tạo làng nghề là nhiệm vụ thường xuyên của mình.
“Chúng tôi luôn tìm mọi cách để hút các nguồn vốn, tìm cơ hội quảng bá cho làng nón ngựa Phú Gia. Nhờ vậy, nón ngựa Phú Gia giờ có mặt ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài. Ngoài ra, làng nón Phú Gia giờ cũng trở thành một điểm nhấn du dịch ở các tour về Bình Định.”, ông Hoàng nói.
Hiện làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam. Mỗi phiên chợ (5 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh, thành khắp cả nước. Đó là động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề; giữ lại nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.