Bình Định triển khai hiệu quả chương trình OCOP – Đặc Sản Bánh Tráng Sachi Bình Định
Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ Phong Nga (huyện Phù Cát, Bình Định), chia sẻ: Khi chưa tham gia OCOP, sản phẩm gần như chỉ bán cho người thân, người quen, do rất ít người biết đến. Sau khi tham gia OCOP, các loại sản phẩm bánh cốm, bánh gạo lứt… của HTX đạt tiêu chuẩn, chất lượng nâng lên, được các cấp, ngành hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tham gia hội chợ, triển lãm nên nhiều người đã biết đến. Trong năm 2021, sản phẩm của HTX đã được đưa vào các siêu thị như Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Big C; tích cực tìm nhà phân phối mới, mở rộng thị trường bán lẻ, tiếp cận đến cả các tiệm tạp hóa nhỏ, các cửa hàng đặc sản… Hợp tác xã đầu tư bài bản bộ nhận dạng thương hiệu để định hình vị trí trong trí nhớ của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Nguyễn (TT. Tam Quan, TX. Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết: Tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, Công ty xây dựng một kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh theo một lộ trình phù hợp. Đầu tiên, tập trung sản xuất 4 mặt hàng chủ lực là bánh tráng nước dừa, bánh tráng gạo mè, bánh tráng rong biển, bánh tráng ruốc biển; đồng thời chuẩn hóa quy trình sản xuất bằng hệ thống máy móc khép kín; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó, chú trọng vào đa dạng mẫu mã, thiết kế hình ảnh bao bì để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại. Thông qua nhiều kênh kết nối, Sachi Nguyễn mở bán sản phẩm trên gian hàng của trang thương mại điện tử Alibaba. Qua nhiều vòng kiểm tra, các sản phẩm bánh tráng Sachi đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, phía đối tác ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng 200 thùng bánh tráng/tháng vào giữa tháng 3/2021; đầu tháng 4.2021, chúng tôi tiếp tục ký thêm 2 hợp đồng độc quyền xuất khẩu bánh tráng các loại sang thị trường Hàn Quốc và Singapore.
Để lựa chọn được những sản phẩm đặc trưng, có lợi thế tiềm năng, đồng thời cụ thể hóa cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát huy giá trị sản phẩm theo hướng bền vững, Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng: Cần phải xác định rõ OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, sản vật địa phương, vùng miền giàu bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, phát triển hạ tầng nông thôn, là một yếu tố quan trọng góp phần lan tỏa Chương trình Mục tiêu xây dưng nông thôn mới. Vì Vậy, các Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương từ cấp xã, huyện, tỉnh có sản phẩm OCOP phải hiểu rõ bản chất của chương trình, từ đó đưa ra cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ thiết thực. Các chủ thể sản xuất OCOP cũng phải chủ động nâng cao nhận thức, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng qui trình sản xuất nông nghiệp tốt, xanh, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, giữ gìn những bản sắc văn hóa vùng, miền của các sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề… Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể sản xuất OCOP mở rộng thương mại hóa sản phẩm, chuẩn hóa tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá để giúp lan tỏa rộng rãi sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu./.