Nghiệm thu, đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ

Thực hiện Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững năm 2019 – 2020. Ngày 09/10/2020, Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị nghiệm thu, đánh giá kết quả triển khai 03 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh).

Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí Lê Thị Tâm, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ phát triển kinh tế tập thể, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh; đại diện Sở Tài chính; Sở NN&PTNT, Lãnh đạo UBND xã Khánh Thành (Yên Khánh), Chủ tịch HĐQT, giám đốc các HTX triển khai, các hộ trực tiếp tham gia tại mô hình tại HTXNN Đồng Xuân Tiến và đại diện một số HTX nông nghiệp huyện Yên Khánh, phóng viên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về dự và đưa tin.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ được triển khai tại 03 HTX trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 30 ha gồm HTX NN Hợp Tiến Khánh Nhạc 10ha, HTXNN Xuân Sơn, xã Trường Yên 10ha và HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến 10ha. Nội dung hỗ trợ bao gồm 100% giống, công gieo mạ khay, cấy máy phân bón hữu cơ sinh học Quế Lâm và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, một phần công cải tạo mặt bằng…

Để mô hình đạt hiệu quả cao, trước khi triển khai mô hình Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị chuyên môn khảo sát chất đất, nguồn nước; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, kỹ thuật ngâm ủ giống, quy trình gieo, chăm sóc mạ; bàn giao phân bón hữu cơ sinh học Quế Lâm, triển khai cấy đảm bảo khung thời vụ. Sau cấy xong bàn giao cho HTX và các hộ thành viên tổ chức chăm sóc theo đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật, từ việc điều tiết nước, bón phân… đồng thời yêu cầu các hộ cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc diệt ốc biêu vàng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi chưa có chỉ đạo của Phòng NN&PTNT huyện. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển, đến nay cả 03 mô hình đã đạt kết quả khá tốt với các ưu điểm: cây lúa sinh trưởng tốt, đồng đều, số bông trên một khóm cao, bông lúa to và dài, hạt chắc, mẩy, hạn chế sâu bệnh do cấy thưa, cây lúa hấp thụ ánh sáng tốt, giảm đáng kể chi phí đầu tư, giải phóng công lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, dự kiến năng suất 250-260kg/sào giống lúa tẻ và 220-230kg/sào đối với lúa nếp cao hơn từ 12-15% so với phương pháp gieo thẳng hoặc cấy truyền thống.  

Tại hội nghị, đại diện các HTX triển khai mô hình và các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của mô hình, quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng. Có thể khẳng định, việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng như các khâu sản xuất lúa, đặc biệt là khâu mạ khay, cấy máy và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là thực sự cần thiết trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, giải quyết được bài toán thiếu lao động trong khi đó vẫn đảm bảo tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào trên diện tích canh tác góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người.

Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá cao kết quả mà các mô hình đạt được, đặc biệt là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ đã cho thấy hiệu quả rõ rệt thông qua mô hình từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống từ đó tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Trong thời gian tới ngành nông nghiệp, các địa phương và HTX tiếp tục quan tâm nhân rộng diện tích sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ và đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ./.

Mục nhập này đã được đăng trong Tin Tuc. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *