5 giờ sáng, làng bánh tráng nước dừa ở Tam Quan bắt đầu nhộn nhịp cho những đơn hàng Tết. Tại lò bánh tráng nước dừa của ông Trần Thanh Bình ở thôn An Thái, nhiều người đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu, nổi lửa tráng bánh. Đến 6 giờ, khi trời vừa hửng nắng thì những mẻ bánh đầu tiên cũng được đem ra sào phơi.

Hiện mỗi cơ sở sản xuất bánh tráng ở Tam Quan cho ra lò khoảng 1.000 chiếc/ngày. Mỗi ràng (10 chiếc) bán với giá từ 20.000-50.000 đồng tùy theo kích cỡ, độ dày mỏng khác nhau. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu tiền lãi khoảng 500.000 đồng/ngày.

Cách làm bánh tráng ở Tam Quan về cơ bản cũng giống như ở các nơi khác. Điều làm nên sự khác biệt của chiếc bánh nơi này là nguyên liệu. Gạo sau khi được xay ra đem trộn với nước cốt dừa và cả xác dừa, thêm vào đấy một ít mè, ít tiêu xay, vài củ hành tím xắt lát thật mỏng, một chút xíu muối, sau đó đem đi tráng trên bếp trấu nóng. Khi bánh chín thì mang ra phơi nắng khoảng một ngày là thành thành phẩm. Khác với các loại bánh tráng ở những vùng miền khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan có kích thước to hơn hẳn và được tráng thành lớp dày.

Vì bánh quá dày nên không thể nhúng nước ăn mà phải nướng. Kích thước của bánh to nên khi nướng phải lật đều, nướng kỹ và phải nướng bằng lửa than thì bánh mới ngon, giòn đều. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên và vàng ươm mùi hành quyện với mùi béo của mè và nước dừa sẽ kích thích vị giác của bạn đến tận cùng. Bánh có thể ăn không hoặc kèm với nước chấm như xì dầu, nước mắm gừng đều ngon.

Nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, thị trấn Tam Quan có nhiều làng nghề nổi tiếng, trong đó có làng nghề làm bánh tráng nước dừa. Không chỉ là món ăn truyền thống mang đậm hương vị địa phương, chiếc bánh tráng còn chứa đựng nhiều tâm huyết của những người con xứ dừa.

“Nghề làm bánh tráng nước dừa không có bí quyết gì đặc biệt nhưng để bánh ngon thì nguyên liệu phải ngon, phơi đủ nắng, phải có kinh nghiệm khi tráng bánh. Nghề này thật ra không khó nhưng rất nhọc công” – ông Trần Thanh Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết sau thời gian khó khăn, hiện nay làng nghề bánh tráng nước dừa Tam Quan được phục hồi với khoảng 400 hộ, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân địa phương.

“Thời gian qua, chính quyền địa phương tạo điều kiện quảng bá thương hiệu để người tiêu dùng biết đến sản phẩm làng nghề bánh tráng nước dừa nhiều hơn. Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, làm đầu mối tiêu thụ để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm truyền thống này. Nhờ vậy, bánh tráng nước dừa Tam Quan đã đến với hầu hết khách hàng trong Nam ngoài Bắc” – ông Công nói.